Câu nói “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” của triết gia Descartes đang phần nào phản ánh đúng tinh thần của phần lớn doanh nghiệp trong hoàn cảnh hiện tại. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất thậm chí phải đóng cửa. Nhưng liệu có thể “nằm im chờ chết” như vậy hay không? Mọi khó khăn đặt ra đều buộc các doanh nghiệp cần phải tư duy và hành động để “sống sót” khỏi dịch bệnh, giữ nhịp phát triển của doanh nghiệp.
Dịch Covid-19 chính là một “liều thuốc thử” để biết được sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang thế nào? Cùng điểm qua hoạt động, hướng tư duy nhạy bén của chủ doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ở Việt Nam thời điểm hiện tại.
1/ Ngành du lịch
Du lịch đang là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Mọi chỉ số kinh doanh đều trở về “zero”, các doanh nghiệp trong ngành thừa nhận họ chính thức bước bào giai đoạn “ngủ đông”. Thay vì cố gắng tìm phương kế kinh doanh hiện tại, các doanh nghiệp này tìm cách ngủ đông sao cho hiệu quả nhất, để có nhiều năng lượng nhất khi thức dậy.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty Images Travel cho biết, công ty vừa tiễn những khách du lịch cuối cùng về nước. Toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty tạm ngưng. Ông cho biết: “Hiện giờ, công ty không còn khách nhưng chúng tôi xác định không để cho tất cả hoạt động bị đình trệ. Các kế hoạch ứng phó phải được thực hiện ngay nhưng những kế hoạch tạo sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực vẫn phải được duy trì nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ và có thể đón khách ngay sau khi dịch kết thúc”.
Theo cách tư duy để sống sót của một sống doanh nghiệp ngành du lịch. Các doanh nghiệp sẽ chấp nhận việc ngưng lại của một số mảng để tránh thiệt hại. Còn lại, những người lo công tác nghiên cứu, tìm kiếm sản phẩm; những người phụ trách các kế hoạch kế toán, tài chính; những người đảm nhận việc đào tạo nhân lực phải làm việc để chuẩn bị cho kế hoạch hồi phục sau dịch.
Cũng theo ông Toản: “Nếu duy trì tốt tình trạng “ngủ đông”, chúng tôi sẽ duy trì được công ty trong khoảng 9 tháng. Hy vọng lúc đó, dịch bệnh đã khép lại để có thể bắt đầu làm ăn. Tôi cho rằng, dĩ nhiên là thị trường khó có thể phát triển mạnh ngay sau dịch nhưng không mất quá nhiều thời gian để phục hồi.”
2/ Ngành hàng không
Nếu như ngành du lịch trở về zero thì hàng không cũng bám sát đà khủng hoảng này. Trả lời TBKTSG Online, đại diện của Vietnam Airlines cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến toàn bộ đường bay quốc tế của hãng phải tạm dừng khai thác đến hết tháng 4-2020. Các đường bay nội địa cũng đứng trước nhiều khó khăn.
Điều khó nhất vẫn là việc trích lập dự phòng sao cho đúng đắn nhất. Để tồn tại qua mùa dịch, Vietnam Airlines đã chủ động áp dụng các giải pháp cấp bách và tập trung vào việc thu hẹp quy mô kinh doanh khi tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế; giảm tần suất các đường bay nội địa do lượng khách du lịch giảm. Đồng thời làm việc với các nhà cung ứng, đối tác trong chuỗi sản xuất để nhận sự hỗ trợ, giúp cắt giảm chi phí, hoãn thời gian thanh toán, giảm giá…
Về câu chuyện nhân sự, đông đảo tiếp viên của hãng xin tạm nghỉ, đồng thời nhiều tiếp viên làm toàn thời gian nhưng tình nguyện không nhận lương chức danh. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự tự nguyện này được như tinh thần “sức mạnh bó đũa” là động lực giúp hãng vượt qua khó khăn.
Cùng với các giải pháp tồn tại trong mùa dịch, Vietnam Airlines đã xây dựng và chuẩn bị các kịch bản phục hồi sau khi dịch được dập tắt. Đây cũng là thời điểm để hãng có thể nghiên cứu thêm về các đường bay mới sau dịch.
3/ Ngành gỗ nội thất
Ngành gỗ nội thất tưởng chừng như là ngành chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch. Cụ thể: chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kế hoạch bán hàng qua triễn lãm hội chợ bị hủy bỏ, việc tắc biên đang khiến cho hàng tồn kho tăng cao gây áp lực về kho bãi và bảo dưỡng.
Theo ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành của Hawa, thông qua sàn thương mại điện tử, hai bên có thể biết được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của nhau. Khách hàng nước ngoài khi không hoặc chưa đến được Việt Nam, có thể khảo sát năng lực sản xuất của nhà máy thông qua một bên kiểm toán độc lập.
“Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn nhiều ngành hàng khác. Dù đang đối diện với khủng hoảng nhưng thời điểm này cũng là cơ hội để kiện toàn hệ thống kinh doanh trên online. Bởi lẽ kinh doanh truyền thống đang đang bộc lộ nhiều hạn chế vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động nhưng chưa được quyết liệt cải tổ”, ông Tiến cho hay.
Hoạt động kinh doanh trực tuyến có thể coi là “chiếc đũa thần” của các doanh nghiệp dịch vụ trong bối cảnh kinh tế suy giảm do dịch bệnh. Thậm chí cũng đã có nhiều doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội để thúc đẩy kinh doanh toàn diện hơn sau dịch.
4/ Ngành F&B và hàng tiêu dùng thiết yếu
Ngay khi có dấu hiệu của dịch bệnh, đặc biệt là có lệnh đóng cửa các dịch vụ ăn uống. Thì chủ các cơ sở đã chuyển sang đẩy mạnh bán online, giao hàng tận nơi. Các hoạt động này được hỗ trợ tốt hơn khi nền tảng giao hàng như GrabFood, Now, Go-food, Baemin… đang được phổ biến.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nhu cầu và thói quen mua hàng của người tiêu dùng cũng thay đổi theo. Các mặt hàng được đánh giá bán chạy nhất thời điểm hiện tại, bao gồm: Dụng cụ tập gym, thực phẩm chứa vitamin C, Webcam – bàn phím máy tính, thiết bị nhà bếp, máy chơi game – đồ chơi, bao cao su. Và điểm đặc biệt nữa, là các sản phẩm này được đánh giá bán nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử.
Như vậy, đẩy mạnh các mặt hàng lên kênh online chính là hướng tư duy nhạy bén mà các chủ cơ sở kinh doanh đã kịp thời phản ứng trước dịch bệnh. Nếu họ làm tốt, thì việc phát triển kinh doanh online sẽ dược duy trì, mở thêm nhiều cơ hội hơn nữa khi kết thúc dịch.
5/ Ngành bất động sản
Đây là gợi ý dành cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Cách mà tập đoàn tư vấn bất động sản JLL đã làm. Trước hết, nhận định đại dịch có thể để lại hậu quả lâu dài và ảnh hưởng đến tình hình tương lai. Sau đó đơn vị này đã xây dựng kế hoạch ứng phó với 4 giai đoạn dành cho các doanh nghiệp trên thị trường.
– Giai đoạn 1: từ 1-2 tuần đầu tiên. Các doanh nghiệp cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp, tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh. Liên tục phân tích dữ liệu nghiên cứu các rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đồng thời cần chuẩn bị tài liệu hướng dẫn cho truyền thông, tối giản hóa quy trình đưa ra quyết định nhằm bắt kịp tình hình phức tạp.
– Giai đoạn 2: từ 3 – 4 tuần sau đó. Doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá tình hình liên tục. Tăng cường công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa, tập trung quản lý vận hành ở các vị trí quan trọng, đảm bảo duy trì nguồn cung, cẩn trọng với lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
– Giai đoạn 3: từ 1 – 3 tháng kế tép, bên cạnh những hoạt động đã thực hiện từ trước đó, doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định, giảm tương tác với khách hàng.
– Giai đoạn sau: Với giai đoạn dài hạn từ 3 tháng trở lên, phương thức làm việc từ xa sẽ dẫn đến những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, nhu cầu ứng dụng công nghệ tăng cao giúp phát triển PropTech và MedTech tại nơi làm việc, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về tính bền vững trong phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của công ty DKRA nhìn nhận doanh nghiệp như một người đi đường đang tạm nghỉ, tranh thủ “xốc” lại hành lý, tư trang. Các chủ đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn hạn Về dài hạn, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi chiến lược, chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.
Nhìn lại cách các doanh nghiệp xoay xở trong mùa dịch bệnh Covid-19, có thể coi như một “liều thuốc thử” đặc biệt để thấy được sức chống chịu của họ như thế nào, cách tư duy mới ra sao. Từ đó, rút ra bài học sâu sắc cho các chủ doanh nghiệp: muốn doanh nghiệp phát triển trước hết hãy xây dựng doanh nghiệp “khỏe mạnh” từ bên trong, có “sức đề kháng” thật tốt, biến rủi ro thành cơ hội, hóa giải khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển vững mạnh hơn.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online