Dạo gần đây tôi có nghiên cứu nhiều hơn mối liên quan giữa Kinh doanh và Đạo Phật. Việc vận hành Minh Khang theo định hướng A Strategic Marcom Agency cũng bởi muốn business của mình giúp cho hoạt động kinh doanh của khách hàng phát triển dựa vào nguyên tắc lợi mình lợi người.
Tôi có tìm thấy trong một bài phỏng vấn của Hòa thượng Viên Minh chia sẻ trên trang Phật Giáo về mối quan hệ giữa Đạo Phật và Kinh doanh, xin phép được trích dẫn lại:
“Đạo Phật có 3 yếu tố giúp cho mọi sinh hoạt đều có thể trở nên tốt đẹp, đó là trong lành (giới), định tĩnh (định), sáng suốt (tuệ) mà trong đời sống hàng ngày thường được biểu hiện dưới ba hình thức thiết thực là thận trọng, chú tâm, và quan sát. Nếu doanh nhân biết ứng dụng 3 yếu tố này thì sẽ rất dễ thành công.
– Thận trọng là cẩn thận kỹ lưỡng trong mọi công việc…
– Chú tâm là sự chuyên tâm, thành ý, không xao lãng
– Quan sát là xem xét thẩm tra mọi việc một cách khách quan rõ ràng.
Đó là ba yếu tố cần thiết giúp chúng ta biết điều chỉnh cho hoàn hảo tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người dù việc nhỏ hay lớn. Ví dụ như trước khi đầu tư vào một việc gì cần phải chú tâm quan sát một cách thận trọng để xem chúng ta nên kinh doanh gì, có phù hợp với khả năng và vốn đầu tư không, thị trường tiêu dùng như thế nào… Như vậy kế hoạch đầu tư mới khả thi.
Ngoài ra còn có 4 điều kiện cơ bản để thành công gọi là bốn điều như ý (Iddhipāda), đó là:
1) Có nhu cầu hay nguyện vọng chính đáng (Chand’iddhipāda).
2) Có chuyên cần nỗ lực để thực hiện (Viriy’iddhipāda).
3) Có quyết tâm không thối chí nản lòng (Citt’iddhipāda).
4) Có nhận thức rõ tiến trình thực hiện (Vimams’iddhipāda).
Thiếu bốn điều kiện trên thì không thể nào thành công trong bất kỳ việc gì, kể cả kinh doanh”.
Tóm lại, Kinh doanh là giúp cho sinh hoạt xã hội cân bằng và tương trợ lẫn nhau dựa vào nguyên tắc lợi mình lợi người.
Mỗi người đều có một thế giới quan riêng, mỗi người thành công đều có một “mật pháp” của mình. Tuy nhiên, điểm chung là họ đều mang lại giá trị cho xã hội.
Minh Trịnh.