Blog > Thiết kế > Món ăn đặc sản Thanh Hoá

Món ăn đặc sản Thanh Hoá

Món ăn đặc sản Thanh Hoá: Truyền thông Minh Khang hân hạnh giới thiệu 8 món đặc sản Thanh Hoá với Quý khách gần xa qua infographic sau đây.

Nem chua, chả tôm, bánh cuốn, gỏi cá, mắm cáy, bánh răng bừa, bánh gai, canh đắng… là những món ngon xếp vào hàng đặc sản mà bất cứ người con xa quê nào cũng nhớ về, trở thành niềm tự hào của người dân Thanh Hoá. Bạn thích món nào nhất trong những đặc sản Thanh Hoá dưới đây?8-mon-an-dac-san-Thanh-Hoa

1. Nem chua :

Nguyên liệu cần chuẩn bị:
– Lá chuối: lá chuối gói nem tốt nhất là lá chuối ngự vừa xanh vừa dầy, bởi trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem vẫn tiếp tục lên men cho đến khi “chín” ăn được.
– Giấy bóng: dùng để bọc thân nem nếu bạn muốn bảo quản dài ngày
– Giây chun: dùng để buộc khi gói nem xong
– Lá đing lăng (hoặc lá ổi)
– Tỏi (thường là 2 củ ) thái lát mỏng tùy khẩu vị bạn có thể cho tỏi ít hoặc nhiều
– Ớt: cũng tùy người ăn mà cho
– Thịt lợn(heo) nạc mông: 1kg
– Thính gạo: 100gr
– Bì lợn (heo): 200gr
– Phụ gia khác: muối, đường, tiêu, nước mắn cốt cá, bột năng (tạo độ giòn rắn & kết dính cho nem)
Cách làm và chế biến

 B1, Thịt khi đem giã, xay vẫn còn hơi nóng phả ra. Tuyệt đối không thể để thịt nguội vì nếu thịt nguội người ta coi thịt như thịt “chết”. Thịt nóng mới có độ bóng cũng như sự kết dính trong quá trình ủ lên men.
B2,  Cạo lông bì lợn (làm nem phải cạo lông chín) nghĩa là người ta dội nước sôi lên phần da lợn và cẩn thận cạo lông bì. Như thế lông mới sạch và những mùi hôi cũng hết. Để có những sợi bì trong, ngon như ý, ta phải cạo thật sạch tất cả những phần mỡ còn sót lại trên bì cho tới khi thấy lớp bì trở nên mỏng, trắng tinh trong suốt thì được. Bì càng làm kỹ bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu. Tiến hành thái chỉ bì.
B3, Tiếp đến chúng ta cần trộn hai hỗn hợp này(thịt và bì) lại với nhau cùng các loại gia vị: muối, bột ngọt, đường, nước mắm cốt cá, ớt , tỏi, tiêu, thính, bột năng…
B4, Sau đó mang hỗn hợp thịt trên ra chia nhỏ thành những mảng nhỏ dài khoảng 7cm và to bằng ngón tay cái để đóng gói. Chúng ta cũng có thể làm cái nem to như gói giò lụa.
B5, Quấn lá đinh lăng (lá ổi) bên ngoài, bọc lá chuối 6-7 lớp và dùng dây chun buộc lại.  Để nơi thoáng mát 3-5 ngày là nem chín có thể đem ra ăn được.

2. Bánh Cuốn

Không giống với bánh cuốn ở các tỉnh miền Bắc, bánh cuốn Thanh Hóa có sự khác biệt cả về nhân bánh và cách ăn.

Cách làm đơn giản: Bột gạo sau khi được hấp chín bằng hơi nước trên nồi căng vải, dùng ống tròn lấy ra rồi khéo léo trải rộng trên một cái mẹt nhỏ, bỏ nhân làm từ tôm bóc vỏ, thịt nạc vai băm nhỏ, mộc nhĩ, hành… và cuốn tròn thành chiếc bánh nhỏ xinh. Nhờ vậy, bánh có vị đậm đà, béo ngậy.

Một đĩa bánh cuốn có 5 hoặc 10 cái, ăn kèm nước mắm pha nhạt, vắt chanh, rắc hạt tiêu xay và thêm vài lát ớt đỏ tươi. Bánh cuốn Thanh Hóa mềm, dai và thơm hương rất riêng. Người Thanh Hóa có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp nơi trong thành phố.

3. Gỏi Nhệch

Nguyên liệu và cách chế biến

Nhệch phải được xử lý bằng cách ngâm nước vôi, dùng lá lúa, lá tre tuốt sạch cho hết nhớt. Róc xương để làm món rán giòn nhắm rượu.
Lấy mật nhệch pha vào rượu uống ngay trong bữa gỏi. Thịt nhệch róc ra rồi dùng giấy bản lau sạch, thái nhỏ dọc thớ, ướp với riềng, thính gạo rang và nước nghệ tươi cho vàng.
Nếu muốn gỏi thật ngon thì thính phải là thính gạo tám xoan trộn với thính bột đậu xanh. Riềng rửa sạch, giã nhỏ, tẩm vào thính. Phụ liệu ăn gỏi nhệch thì gồm: chẻo, thảo mộc, mắm tôm, ớt.
Món chẻo ngon phải đặc sánh để khi tưới lên cá, nước chẻo bám đều vào thịt cá, không bị chảy nước ra tay. Chẻo ngon phải có mầu đỏ sậm, có mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện với nhau. Lá thơm gồm: lá mơ lông, lá sung, lá chanh, diếp cá, đinh lăng, sắn thuyền, mùi tàu, lá nghệ, rau răm, lá lốt. Các loại quả như chuối xanh, khế, sung…
Ăn gỏi nhệch không tanh nếu người biết ăn thì cảm thấy không một thứ gỏi gì ngon hơn gỏi nhệch – món ăn quyến rũ đậm chất dân tộc.

4. Mắm Cáy

Mắm Cáy được xếp vào hàng ẩm thực cá tính của người Thanh, nếu bạn từng được thưởng thức và thấy hợp khẩu vị thì khó mà quên cho được.
Mắm Cáy được làm từ con Cáy, một loài giáp xác có hình thù giống con cua đồng hay con dạm nhưng nhỏ và nhanh hơn. Cáy có nhiều loại (đỏ, nâu, đen, lông, gió…) Cáy đỏ làm mắm ngon nhất, kị nhất là Cáy lông vì theo dân gian nó rất độc, ăn vào không có lợi cho sức khỏe.
Vào độ tháng năm trời hạn, nắng cháy, Cáy thi nhau chui ra khỏi hang đông như kiến cỏ, lúc này nhà nông trên các vùng quê Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương …bước vào mùa bắt Cáy làm mắm. Cáy bắt về rửa sạch, bóc yếm, bỏ hoi, chặt phần kìm nhọn ở còng rồi đem vào cối đá giã thật nhuyễn, sau đó trộn muối và thính cho vào vại, nén vỉ tre như nén cà rồi đem phơi nắng chừng một tháng là chín, càng được nắng, mắm càng nhanh chín và thơm ngon.

5. Canh Lá Đắng

Nguyên liệu chuẩn bị:
– Lá đắng, thịt nạc, sườn ống, hạt nêm, bột ngọt, bột ớt băm nhuyễn, tiêu, mắm tôm, mẻ, dầu ăn.
Cách làm:
– Lá đắng rửa sạch, xắt nhỏ. Ướp thịt với hạt nêm, bột ngọt, tiêu, mẻ, mắm tôm, ớt khoảng 15 phút.
– Sườn ống rửa sạch, cho vào nồi ninh nhừ, hớt bọt thường xuyên cho nước trong.
– Phi hành thơm, cho hỗn hợp thịt đã ướp vào đảo đều nhanh tay, khi thịt hơi săn lại thì đổ nước ninh sườn vào nấu sôi.
– Cho lá đắng vào nồi sườn, chờ sôi lại khoảng 3 phút là được.

6. Bánh Lá Răng Bừa

Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông.

Gạo tẻ ngâm nước lạnh trong 2-3 giờ, xay thành bột nước, sau đó đun trên bếp và khuấy đến khi có độ đặc sền sệt thì bắc xuống. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh là thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô đã xào qua. Người gói phải khéo léo sao cho bánh đều nhau, không quá to hoặc quá nhỏ, để khi luộc hoặc hấp thì chín đều.

Bóc lớp lá chuối, mùi thơm của thịt, mùi bột gạo tỏa ra ngào ngạt khiến bạn không thể cầm lòng.

Bánh răng bừa trước kia được làm vào những dịp đặc biệt như ngày rằm, Tết, cưới hỏi…, nổi tiếng nhất ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc… Bây giờ bạn có thể ghé các chợ, hàng rong hay các nhà hàng ở nhiều nơi trong tỉnh là có thể thưởng thức thức món quà dân dã này.

7. Chả Tôm

Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ.

Tôm bột tươi sau khi mua về rửa sạch, bỏ vỏ, rút chỉ đất ở sống lưng và giã nhuyễn bằng cối đá. Để cho nhân có màu hồng đẹp mắt, người ta giã cùng một lượng gấc vừa đủ, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa.

Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn.

8. Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ là đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Bánh gai làm rất công phu, kỳ công ở tất cả các công đoạn. Đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tinh tế, có những thao tác phải thành thạo, điêu luyện để tạo nên bí quyết gia truyền làm nên hương vị của bánh thơm ngon.
Nguyên liệu
Gồm lá gai, gạo nếp (nếp nương hoặc nếp hoa cau) được xay thành bột. Phần không thể thiếu được để chiếc bánh thơm ngon là nhân bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường và thịt lợn nạc. Bột lá gai, bột nếp, trộn cùng mật mía cho thật kỹ đều rồi ủ trong một đêm.
Người thạo nghề nếu thấy mật loãng thường phải đem cô lại và phải để cho mật nguội tự nhiên mới ngâm ủ. Bột được đem vào cối giã sao cho kết dính, hòa thấm vào nhau. Khâu giã bánh góp phần quyết định chất lượng của bánh. Phải trộn thật đều từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên sao cho bột mịn mềm dẻo có màu đen bóng. Đây là công đoạn khó, đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn. Công đoạn này nếu xử lý không tốt sẽ dẫn đến tình trạng  nhão hoặc cứng.
Những người làm nghề có kinh nghiệm pha chế mật “non” hoặc “già” còn tùy thuộc vào thời tiết nữa. Những người thợ giàu kinh nghiệm thường lấy mắt để nhận biết. Bột là thành phần chính của bánh, lấy nhân cho vào giữa vê tròn rồi lăn bánh trên mâm đã rải vừng. Làm bánh gai không thể thiếu vừng vì nó tạo cho chiếc bánh thêm ngọt, bùi, béo và dễ bóc. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải mịn và ngon có được vị thơm của lá gai, dầu chuối; dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía, bùi của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng.

Minh Khang.

Chia sẻ mạng xã hội