Blog > Tin tức > Covid-19 thực sự là “liều thuốc thử”, hãy xem cách Soya Garden chuyển mình để sinh tồn hậu đại dịch

Covid-19 thực sự là “liều thuốc thử”, hãy xem cách Soya Garden chuyển mình để sinh tồn hậu đại dịch

Dù Việt Nam chúng ta đã được “thiết lập trạng thái bình thường mới” khi đầy lùi được dịch bệnh Covid-19, nhưng hậu quả từ trong dịch gây ra là không hề nhỏ. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng lên cả đời sống xã hội lẫn đời sống kinh tế Hàng loạt cửa hàng và nhà hàng phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Như một hệ quả tất yếu, F&B là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Mới tuần vừa rồi, startup 4 năm tuổi Soya Garden đã phải đóng cửa hàng loạt các chi nhánh của mình trên cả hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội và đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình kinh doanh. Vậy vì đâu mà Soya Garden lại gặp phải vấn đề như vậy, cũng như cách giải quyết của startup này là gì? Hãy làm rõ câu hỏi này trong bài viết dưới đây.

Tham vọng chuỗi đồ uống quốc dân giờ đây phải bỏ ngỏ

Soya Garden là thương hiệu cửa hàng sữa đậu nành hữu cơ, được thành lập vào năm 2016 bởi ông Hoàng Anh Tuấn và chị gái Hoàng Thu Thủy. Tên tuổi của startup này thực sự được chú ý sau thương vụ gói vốn thành công trên chương trình Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ mùa 2 vào năm 2018. Soya Garden được tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy đầu tư 20 tỷ đồng, sau đó mức đầu tư đã được tăng lên qua từng năm và tính đến tháng 4/2019 – tức sau 3 năm thành lập thì tổng mức đầu tư của Egroup đã lên tới 100 tỷ đồng. Vào thời điểm ấy, ai cũng ngỡ rằng Soya Garden có thể trở thành chuỗi đồ uống quốc dân như trong kỳ vọng của CEO Hoàng Anh Tuấn với mục tiêu dự kiến mở 100 cửa hàng trong năm 2019, 300 cửa hàng vào năm 2021 và lấn sân sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đây cũng là lúc mà những vấn đề cơ bản của chuỗi Soya Garden bắt đầu nảy sinh, khi đến cuối năm 2019, tổng số cửa hàng của thương hiệu này mới chỉ đạt con số 50 trên toàn quốc, tức là chỉ đạt 50% so với dự kiến ban đầu của vị CEO. Ngoài ra, Soya Garden cũng đã bắt đầu có động thái đóng bớt các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả và tìm hướng đi mới. Điều này đã khác hoàn toàn so với tham vọng ban đầu của thương hiệu này.

Covid-19 như một “đòn giáng tử thần” vào Soya Garden

Như đã đề cập từ đầu, Covid-19 được xem như “thần chết” với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B. Chi phí cố định thì lớn, cửa hàng đóng cửa khiến cho nguồn doanh thu bị đóng băng, từ đó áp lực về chi phí đè nặng lên startup 4 năm tuổi này. Hệ thống bán hàng online quy mô lớn đòi hỏi một thời gian set-up dài, không phải thương hiệu nào cũng đủ tiềm lực và khả năng để thực hiện trong giai đoạn này. Chính những điều này đã khiến cho Soya Garden phải đóng bớt cửa hàng của mình nhằm cắt lỗ. Cụ thể, tại TP.Hồ Chí Minh thì Soya Garden có tổng cộng 13 cửa hàng tính đến năm 2019 thì theo một ghi nhận, đã có 6 cửa hàng phải đóng cửa, 1 cửa hàng ngưng hoạt động, 3 cửa hàng vẫn hoạt động 

Hà Nội cũng gặp phải tình trạng tương tự khi hầu hết cửa hàng của chuỗi Soya Garden đều tọa lạc ở những vị trí đắc địa, giá thuê mặt bằng vô cùng lớn. Chính vì vậy mà việc đóng cửa là điều đã được dự báo trước. Cụ thể, một chi nhánh cửa hàng có Soya Garden tại số 4 Phạm Ngọc Thạch nay đã đóng cửa, treo biển cho thuê mặt bằng, cửa hàng 19 Lê Thanh Nghị đã được tháo dỡ, cửa hàng 22 Trần Đăng Ninh cũng chịu tình cảnh tương tự.

Chia sẻ với báo chí, đại diện phía Soya Garden cho biết hiện có 28 cửa hàng đã đóng cửa hoàn toàn ở hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, một số cửa hàng khác đang được xếp vào diện “cân nhắc” vì còn phải xem xét ở một vài yếu tố như tình hình kinh doanh, hỗ trợ của chủ mặt bằng,.. Không chỉ đóng cửa các chi nhánh, fanpage trên Facebook của Soya Garden cũng đã “bặt vô âm tín”, không cập nhật thêm bất kỳ thông tin gì kể từ ngày 11/5. Liệu những dấu hiệu đó sẽ dự báo điều gì cho tương lai của thương hiệu đậu nành hữu cơ này?

Bước chuyển mình táo bạo của Soya Garden để sinh tồn hậu đại dịch 

Đứng trước tình trạng đóng cửa hàng loạt các chi nhánh, cũng như việc cập nhật rất ít thông tin tới người dùng, nhiều tin đồn xung quanh việc thương hiệu này phá sản đã nổ ra. Tuy nhiên, phía đại diện của Soya Garden đã lên tiếng phủ nhận những tin đồn thất thiệt này mà thay vào đó, thương hiệu đang thực hiện việc tái cơ cấu mô hình kinh doanh. Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Anh Tuấn – CEO của Soya Garden cho biết sẽ chuyển hướng kinh doanh sang một mô hình hoàn toàn mới là: Kiosk và cửa hàng nhỏ. Dù vậy, Soya Garden vẫn sẽ tiếp tục duy trì những cửa hàng lớn và phát triển song song, tùy thuộc vào khu vực. Những cửa hàng lớn, đặc trưng của Soya Garden sẽ được sử dụng để tập trung vào trải nghiệm sản phẩm chất lượng, còn kiosk hay cửa hàng nhỏ sẽ tập trung vào sự tiện lợi và trải nghiệm chất lượng đồ uống. 

Mô hình mới sẽ tập trung nhiều vào hình thức take-away hoặc giao hàng. Theo dự kiến thì vào cuối năm nay, mô hình này sẽ chính thức đi vào hoạt động với khoảng 20 – 25 cửa hàng, kiosk được mở tại TP.Hồ Chí Minh. Sở dĩ Soya Garden có nước đi đầy táo bạo này là một phần đến từ chính ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Minh chứng chính là việc trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ vừa rồi, nhu cầu về giao nhận đồ ăn và take-away đã bùng nổ mạnh mẽ. Đây cũng là thứ mà Soya Garden có được ở thị trường Hà Nội, tuy nhiên lại thiếu sót ở TP. Hồ Chí Minh. Mô hình kiosk và cửa hàng nhỏ có ưu điểm là chi phí vận hành thấp, hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả kinh doanh có thể bằng hoặc thậm chí tốt hơn cả những cửa hàng lớn. Cũng chính vì vậy, Soya Garden có thể sống sót qua mùa dịch này nhờ vào thị trường Hà Nội, trong khi phải đóng cửa 10/13 cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh. 

Nshìn vào góc độ kinh doanh và quản trị, việc Soya Garden đóng cửa một nửa chi nhánh cửa hàng chưa phải là điều tệ nhất xảy ra. Thương hiệu này bắt buộc phải làm như vậy để cắt lỗ do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Bước chuyển mình này của Soya Garden được nhiều chuyên gia ghi nhận là hướng đi đúng đắn, giúp giảm được áp lực chi phí thuê mặt bằng vốn đã quá cao. Việc đóng cửa sớm sẽ giúp giảm được những tổn thất mà Soya Garden phải hứng chịu.

Đại dịch Covid-19 nó như một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp F&B không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên quy mô toàn thế giới. Soya Garden chỉ là một minh chứng cho thấy việc kinh doanh chuỗi quả thực không hề đơn giản nếu như không có một chiến lược kinh doanh bài bản. Thêm nữa, Covid-19 là một cơ hội để chủ doanh nghiệp F&B xóa bỏ tư duy cũ. Kinh doanh đồ ăn không nhất thiết phải có cửa hàng thì mới bán được hàng, nhất là khi chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0. Giờ đây, Soya Garden đang có bước chuyển mình lớn khi chuyển dần sang mô hình kinh doanh kiosk và cửa hàng nhỏ. Cùng đón chờ xem trong tương lai gần, liệu thương hiệu này có tiếp tục được tham vọng trở thành chuỗi đồ uống quốc dân của mình hay không!

Nguồn: MarketingAI

Chia sẻ mạng xã hội