Blog > Tin tức > Rủi ro chính là cơ hội, nhưng chủ doanh nghiệp đã biết cách hóa giải? 

Rủi ro chính là cơ hội, nhưng chủ doanh nghiệp đã biết cách hóa giải? 

Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, gây ra hậu quả nặng nề cả về con người và tài sản. Thậm chí, còn khiến nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới rơi vào tình trạng trì trệ. Các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, dừng sản xuất, thậm chí phải đóng cửa hoàn toàn.

“Rủi ro chính là cơ hội”

Theo chuyên gia Nicholas Bahr của Công ty giải pháp bền vững DuPont, ông cho rằng: “Bây giờ là thời điểm biến rủi ro thành cơ hội”. Mọi vấn đề xảy ra luôn có hai mặt, quan trọng là cái nhìn thông thái của chủ doanh nghiệp. Biến những thử thách trở thành cơ hội để doanh nghiệp vững mạnh hơn. Hóa giải mọi khó khăn xảy ra giúp doanh nghiệp kiên cường sau bão giông.

Và dưới đây là những lời khuyên mà ông Nicholas Bahr dành cho các doanh nghiệp. Ngồi im chắc chắn chết, còn vận động thay đổi chính là không thành công cũng sẽ tìm ra cơ hội tiềm năng khác:

– Thứ nhất: kết nối chặt chẽ hơn với đội ngũ nhân viên. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp phải cho nhân viên làm việc tại nhà, và đây chính là khi chủ doanh nghiệp càng phải kết nối với nhân viên. Duy trì sự liên lạc trực tuyến, cập nhật tin tức về sức khỏe, công việc của nhân viên. Và đối với doanh nghiệp nhân viên vẫn đi làm được tại công sở, bên cạnh công tác phòng tránh dịch, mỗi chủ doanh nghiệp cũng cần có cách quan tâm, vừa thúc đẩy nhân viên làm việc, vừa tạo tâm lý vững vàng tránh những lo lắng không đáng có bởi dịch bệnh. Hãy nhớ, nhân viên luôn là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp – kết nối chính là tạo ra sự đồng điệu cùng phát triển.

– Thứ hai, xây dựng hệ thống quản trị phù hợp. Đây chính là thời gian “dư giả” mà doanh nghiệp nhìn lại “chính mình”. Xây dựng hệ thống quản trị đồng bộ, lưu trữ dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp mình. Hệ thống quản trị có thể chia làm ba cấp độ: ngắn hạn để xử lý vấn đề nhân sự, công việc hàng ngày; trung hạn là đề ra kế hoạch dự trữ tiền mặt, kế hoạch đào thải; dài hạn là tính toán đến các tác động của nền kinh tế lên doanh nghiệp.

– Thứ ba, thực hiện đánh giá mọi rủi ro. Các rủi ro tác động đến doanh nghiệp bao gồm từ nền kinh tế chung và từ chính doanh nghiệp, bao gồm: biện pháp vệ sinh, an toàn để bảo vệ con người, tài chính, công nghệ và hoạt động trong thời gian dịch bệnh và sau dịch bệnh.

– Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông tương tác. Đây là điều rất nhiều doanh nghiệp “bỏ lỡ”. Trước hết, doanh nghiệp hãy biết trấn án khách hàng rằng mình “vẫn đang hoạt động”, mọi biện pháp tạm thời chỉ là ứng biến linh hoạt và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tiếp theo, đây là thời điểm vàng mà “khách hàng tiềm năng” của doanh nghiệp có nhiều thời gian cho các kênh online. Việc đẩy mạnh truyền thông tương tác thời điểm này sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá sâu rộng hơn đến mọi người.

– Thứ năm, đánh giá lại chuỗi cung ứng. Với các doanh nghiệp giữ vai trò trung gian, cung ứng sản phẩm tới tay khách hàng. Thì cần đánh giá lại lượng khách hàng hiện tại, và khả năng đáp ứng nhu cầu cho họ. Hãy lường trước trường hợp nhà cung cấp đưa ra lời hứa hẹn vượt khả năng. Khi đó, hãy cho mình phương án phòng bị, liệu có thể trao đổi bằng các sản phẩm, quyền lợi hay dịch vụ khác hay không?

– Thứ sáu, doanh nghiệp xem xét lại rủi ro hoạt động. Cần thiết việc đánh giá các hoạt động đang diễn ra, và việc phải dừng lại. Từ đó lên kế hoạch tiếp tục khi tình hình dịch bệnh nguôi ngoai hơn.

– Thứ bảy, hiểu về nguyên tắc “không có thời gian chết”. Có những doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc dừng sản xuất, nhưng không có nghĩa đó là khi rảnh rỗi và là “khoảng thời gian chết” của doanh nghiệp. Trái lại, với chủ doanh nghiệp thông thái, tinh nhạy, thì đây là cơ hội để họ học hỏi, xem xét về cơ hội sản xuất sản phẩm mới cho doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy nhân viên hãy tận dụng thời gian để trau dồi các kỹ năng, khóa học mà trước đây chưa có thời gian để học. Hãy luôn sẵn sàng để doanh nghiệp tiếp tục sau dịch.

Lời khuyên của Nicholas Bahr cũng cho thấy quan điểm tương đồng với các nhà quản lý khác. Theo Jordan Strauss, cựu giám đốc điều hành của Kroll, một bộ phận thuộc Duff & Phelps, Mỹ, các chủ doanh nghiệp nên dành một khoảng thời gian mỗi ngày cho việc tìm kiếm cơ hội mới.

Greg Milano, CEO của công ty tư vấn chiến lược Fortuna Advisors, cho rằng chiến lược phục hồi có thể được chia thành ba bước chính, bao gồm: sống sót, cải thiện và nắm bắt cơ hội.

Mọi khoảng thời gian nghỉ ngơi là cơ hội tái tạo năng lượng. Trên hết, vẫn cần cái nhìn tinh anh và tinh thần lạc quan tích cực của chủ doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hóa giải mọi rủi ro thành cơ hội phát triển mới.

Cr: Ngọc Trà

Chia sẻ mạng xã hội